Thursday, October 21, 2010

bài học về đánh giá con người vàng thật hay đồng thau

Nội dung:

Ngày xửa ngày xưa, bên Ai Cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:

“Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một tí, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?”.

Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: “Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng”.

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: “Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó”.

“Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì có thể xảy ra?”. Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: “Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả”.

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: “Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán nhưng chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu”.

Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: “Thưa ngài, những lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thì gấp cả ngàn lần so với cái giá của những con buôn ở chợ”.

Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói: “Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bề ngoài. Những lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn.

Cần có con tim để nhìn và cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác mà chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái mà ta nghĩ là vàng hóa ra là đồng thau, nhưng thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật".

bai hoc tu cay Le




Một người cha có 4 người con trai. Ông muốn dạy các con mình không nên đánh giá mọi việc quá vội vàng nên đã bảo lần lượt từng người trong số họ đến thăm một cây lê ở rất xa.

Người con cả ra đi vào mùa đông, người con thứ hai đi vào mùa xuân, người con thứ ba vào mùa hè và người con út vào mùa thu.

Khi những người con quay về, ông đã gọi tất cả lại và yêu cầu họ tả lại những gì họ nhìn thấy.

Người con cả nói rằng cây lê đó xấu xí, khô cằn.

Người con thứ hai không đồng ý và nói nó có có rất nhiều chồi lộc và đầy hứa hẹn.

Người con thứ ba thì nói cây lê đó hoa lá sum sê, mùi hương ngọt ngào và trông rất đẹp. Đó là cây lê đẹp nhất mà anh từng thấy.

Người con út không đồng ý với 3 người anh. Anh nói rằng cây lê đó trĩu nặng trái chín.

Nghe xong, người cha giải thích cho các con rằng tất cả họ đều đúng bởi họ đã nhìn thấy cây lê vào những mùa khác nhau. Tuy nhiên, những gì họ nhìn thấy chỉ là một mùa trong đời cây lê.

Ông bảo rằng họ không thể đánh giá một cái cây, hay một con người chỉ qua một mùa hay một giai đoạn và rằng bản chất của con người cũng như những niềm vui và tình yêu trong cuộc sống chỉ có thể được đánh giá vào giai đoạn cuối khi tất cả các mùa đã đi qua.

Nếu bạn quyết định bỏ cuộc khi mùa đông đến, bạn sẽ bỏ lỡ những hứa hẹn của mùa xuân, vẻ đẹp của mùa hè và sự thu hoạch của mùa thu.

Bài học:

Đừng để nỗi đau của một mùa phá hủy niềm vui của các mùa còn lại.

Đừng đánh giá cuộc sống chỉ thông qua một giai đoạn khó khăn. Hãy kiên trì vượt qua giai đoạn khó khăn, chắc chắn những điều tốt đẹp hơn đang chờ bạn phía trước.

Ý nghĩa của mục tiêu

Nội dung:

Nếu bạn nản lòng khi gặp thất bại, xin hãy đọc câu chuyện sau. Bạn sẽ thấy đạt được mục đích nhiều khi chưa hẳn là điều quan trọng nhất. Tôi sẽ giải thích vì sao.

Có hai anh em nhà nọ quyết định đào một cái hố sau nhà. Trong khi hai anh em đang đào, có vài cậu bé hàng xóm đi qua và dừng lại xem.

“Các cậu làm gì vậy?” Một cậu hàng xóm hỏi.

“Bọn tớ định đào một cái hố xuyên qua trái đất!” Người em hồ hởi trả lời.

Các cậu bé hàng xóm ôm bụng cười chế giễu và nói với hai anh em rằng việc đào một cái hố xuyên qua trái đất là điều không thể.

Sau một lúc im lặng, người anh đưa cho các cậu bé hàng xóm xem một chiếc lọ đựng đầy nhện, giun và các loại côn trùng. Cậu nói với giọng bình thản và đầy tin tưởng: “Cho dù bọn tớ không đào được một cái hố xuyên qua trái đất, nhưng các cậu có thấy những thứ bọn tớ có được trong khi đào có tuyệt vời không.”

Mục tiêu của hai cậu bé quá xa vời, nhưng chính nhờ có mục tiêu mà hai cậu đã đào cái hố một cách hăng say. Và đó cũng chính là ý nghĩa của một mục tiêu: nó thôi thúc ta tiếp bước trên con đường đã chọn.

Không phải mọi mục tiêu đều có thể đạt được. Không phải mọi công việc đều kết thúc thành công. Không phải mọi mối quan hệ đều bền vững. Không phải mọi hi vọng đều đến bến đến bờ. Không phải mọi tình yêu đều là mãi mãi. Không phải mọi giấc mơ đều thành hiện thực.

Nhưng khi bạn chưa đạt được điều mình muốn, bạn có thể tự hào nói, “Đúng vậy, tôi chưa đạt được điều tôi muốn. Nhưng những gì tôi có được trong cuộc hành trình đi đến mục tiêu của mình, những gì tôi có được từ sự cố gắng của bản thân thật là tuyệt vời!”

Có người nói: “Thành công là một hành trình, không phải là một điểm đến.” Và tôi tin rằng, không phải là cái đích ở cuối con đường, mà chính là niềm vui ta có được trong cuộc hành trình mới thực sự là điều quan trọng.

Wednesday, October 20, 2010

Hoc cach tha thu



Biết tha thứ cho những người làm ta đau đớn sẽ mang lại một cảm giác yên bình mà ta không thể có được khi ôm lấy mối hận thù. Ngoài ra, tha thứ còn làm ta khoẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một nghiên cứu tại Đại học Hope ở Michigan, Mỹ, đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ hình dung kế hoạch trả thù những người làm đau mình. Nhưng sức ép sẽ giảm đi rất nhiều khi họ mường tượng đến cảnh tha thứ cho những người phạm lỗi. Các nhà khoa học tại Đại học Stanford cũng tìm thấy những ai biết thứ tha có các cơn giận dữ và triệu chứng stress ít hơn rất nhiều so với những người giữ mãi mối hận.

Để vết thương mau lành, hãy làm theo những lời khuyên sau:

Đừng đợi nhận được lời xin lỗi

Thông thường chúng ta rất biết cách bảo vệ lẽ phải của mình: “Không lý gì tôi phải tha thứ cho hắn trước trừ phi hắn thừa nhận sai phạm và xin lỗi tôi.”

Nhưng nếu chúng ta chấp nhận tha thứ trước khi nhận được lời xin lỗi thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng tâm trí bị đeo đẳng bởi cơn giận dữ trong khoảng thời gian dài. Thường thì chính chúng ta mới là người gánh chịu các thiệt hại do sự tức giận gây ra. Điều này có khác gì bạn tự mình đặt niềm vui, sự thanh thản dễ chịu của bản thân vào tay người khác?

Tìm cách thông cảm với sự xúc phạm

Người ta có thể đã hành động vì sự vô tâm, nỗi lo sợ hoặc niềm đau của chính họ. Có một câu nói rằng: Đằng sau bất kỳ hành động thô lỗ nào, thường là một chuyện đau lòng.

Hãy tự đặt mình vào vị trí của người lầm lỗi, hoặc viết một bức thư cho chính mình dưới quan điểm của họ.

Đừng quên bản thân cũng từng gây ra không ít lỗi lầm

Thường sẽ đau đớn hơn rất nhiều khi chính mình phải suy ngẫm về lỗi lầm của mình. Nhưng cần phải làm thế để tìm lại sự cân bằng. Nhìn vào sự thật này để thấy rằng người khác có thể tha thứ cho mình thì tại sao mình không thể làm điều này nhỉ?

Làm mới sự tha thứ

Những cảm giác đau đớn sẽ vẫn tồn tại cho dù bạn đã bỏ qua chuyện cũ. Có những lúc bạn sẽ cần phải làm mới lại sự tha thứ của mình. Nhưng vượt qua sự hận thù sẽ làm bạn thảnh thơi bước tiếp. Nghiên cứu cũng cho thấy những ai tha thứ sẽ cảm thấy nỗi đau không còn nặng nề như trước.

Cuối cùng, đưa bản thân vào danh sách tha thứ

Tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho bản thân.

Tuesday, October 19, 2010

Nghe thuat thi ca

 
ROQUE DALTON
Nhà thơ El Salvador
(1935-1975)
 
Nghệ thuật thi ca
 
Niềm lo âu có thực.
 
Người đàn ông ấy sử dụng những đổ vỡ xưa cũ của mình như một tấm gương soi.
 
Chỉ một giờ đồng hồ sau khi đêm xuống
người ấy nhặt những mảnh vụn cay đắng của ngày qua
rồi đau đớn áp chúng vào trái tim mình
và tháo mồ hôi như một kẻ tham lam vẫn chưa chịu buông bỏ
giam mình vào căn phòng sâu hút, cô đơn.
 
Ở đó, hắn hút thuốc không ngừng
thêu dệt những mạng lưới thảm hại trên trần nhà
chán ghét những nhánh hoa tươi
bộ da ngột ngạt của hắn ruồng bỏ hắn
hắn nhìn chòng chọc hai bàn chân lạnh ngắt
hắn tin cái giường của hắn là nấm mộ mỗi ngày
các túi của hắn trống rỗng
hắn đói
hắn khóc.
 
Nhưng những người kia, những kẻ khác,
hân hoan phơi lồng ngực dưới ánh mặt trời
hay trước ánh mắt lùng sục của những tên sát nhân
họ nhấc miếng bánh mì ra khỏi lò nướng
như một lá cờ chống nạn đói
họ reo lên với lũ trẻ con những tiếng cười vang dội làm đau cả không khí
họ làm đầy bụng những người đàn bà diễm phúc bằng những bước chân trẻ con bé bỏng
họ nghiêm trang chẻ những tảng đá như những trái cây bướng bỉnh
họ trần truồng đứng hát vào ly nước mát
họ khoái trá đùa cợt nắm lấy cặp sừng của biển cả
họ xây những tháp hải đăng vi vút giữa cõi hoang vu gió cuốn
họ say sưa như ông Trời ở bất cứ nơi đâu
họ giương nắm đấm chống chỏi với sự tuyệt vọng
nâng những ngọn lửa báo oán trước tội ác
đem tình yêu sâu thẳm vô hạn
đương đầu với lưỡi hái tàn độc của hận thù
 
Niềm lo âu có thực, vâng.
 
Cũng có thực như sự tuyệt vọng
tội ác
hay thù hận.
 
Tiếng nói của nhà thơ sẽ nói cho ai!